Bài dự thi hùng biện

2016-01-08 21:29

BÀI DỰ THI HÙNG BIỆN “CÂU CHUYỆN TÌNH HUỐNG ĐẠO ĐỨC,PHÁP LUẬT”

 

Học sinh dự thi: Bùi Thị Thanh Kiều Lớp 7/1 –Trường THCS Lê Qúi Đôn

Đơn vị: Phú Ninh

I . Giới thiệu câu chuyện: Việc làm cho ngày mai .

    Là “Trẻ thơ như búp trên cành, biết ăn ở biết học hành là ngoan”, chúng ta được gia đình ôm ấp, nhà trường, xã hội nâng niu. Nhưng có khi nào bạn quan tâm đến trách nhiệm của tuổi thơ phải sống như thế nào  để xứng đáng  với những tấm lòng, những vòng tay ấm áp ấy?

 Và cuộc đời đâu vốn bằng phẳng. Xung quanh ta còn lắm những mảnh đời bất hạnh cần được cảm thông, chia sẻ. Có bao giờ bạn nhận ra thói thờ ơ vô cảm ở chính mình? Bạn có tin rằng chỉ có dòng sông yêu thương mới có thể thắp nên những ngọn chồi xanh trong những tâm hồn khô khan cằn cỗi? 

  Dẫu là tuổi “ăn chưa no lo chưa tới” chúng ta không thể không suy nghĩ về vinh dự và lẽ sống. “Việc làm cho ngày mai” là tựa đề của  câu chuyện đời thường gần gũi mà em sẽ kể sau đây, mong rằng sẽ nhẹ nhàng nhắc nhở tuổi thơ chúng ta những thông điệp sống để khổng hổ thẹn với niềm mong đợi  “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”.    

II . Nội dung câu chuyện:

         Trường Lan tổ chức lễ tổng kết phong trào "Nêu gương” trong học sinh. Một cậu bé nhỏ nhắn, trong bộ đồng phục học sinh đã bạc màu bước lên bục. Đó là Nguyễn Văn Long lớp 7/1, một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt: mồ côi cha mẹ, sống với bà đã già yếu. Thế nhưng Long đã vượt khó, học giỏi, đạt giải cao trong kì thi huyện. Long lại luôn giúp những bạn học yếu môn toán để cùng tiến bộ ”. Lan vô cùng ngạc nhiên bởi không thể tin trước mắt là cậu bé mà Lan đã từng gặp hai lần.

         Chả là tuần trước khi ngồi cùng mẹ trong quán ăn thì Lan gặp một bà cụ lụm khụm đội cái nón lá cời, mặc bộ đồ cũ rách, giọng yếu ớt rao bán  chè xanh. Lan đã bực mình  mắng: “Cái bà này bẩn quá đi.”  Và chính lúc đó có cậu bé chạy vào bê mủng chè giúp bà cụ. Nhìn cái dáng gầy gò, da đen nhẻm, vai mang chiếc túi sờn rách, Lan nghĩ: “Chắc là bán vé số chứ gì”, rồi bĩu môi: “Lại thêm đứa cháu cũng xác xơ”. Lúc ấy, Lan đã bị mẹ răn cho một hồi: “Sao con lại không cảm thông thấu hiểu để rồi biết thương yêu cậu bé, kính trọng bà lão, lại nói những lời như vậy?” Lan chỉ biết phùng mặt vì nghĩ: “Lại là những bài học cũ mèm”.

Và hôm qua đây, khi đi về ngoại, Lan đang loay hoay chực khóc vì  chiếc xe đạp điện bị ngã xuống mương  nước. Thì lại gặp cậu ấy. Lan đã rất ngỡ ngàng … Cậu ta không nói gì, cố sức kéo chiếc xe lên giúp Lan, rồi vội chạy đi. Lan thừ người ra mà chẳng nói lời cảm ơn. Giờ đây Lan mới cảm thấy ray rứt. Cái hình ảnh cậu bé bán vé số, kéo giúp xe lại cứ hiện về trước mắt em.     

             Một tuần sau, trong giờ học công dân bài Bài Quyền được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục của trẻ em Việt Nam, sau bài giảng, cô giáo nhỏ nhẹ:

-         Các em ạ! Bà của Long bị tai biến nặng phải nằm viện dài ngày.

Long phải nghỉ học một thời gian dài để chăm sóc bà. Bạn ấy đã không có điều kiện để hưởng những quyền của trẻ thơ như các em. Bài học hôm nay gợi cho em suy nghĩ, hành động gì từ mình và từ tình cảnh của Long? Bản thân các em đã thấy mình  xứng đáng với quyền ấy chưa?

           Cả lớp lặng đi. Lan nghĩ: “Mình thật may mắn biết bao khi được ba mẹ cưng chiều. Nào là điện thọai, máy tính bảng, xe đạp điện… Hằng tuần  được mẹ dẫn đi chơi bất cứ nơi nào mình thích…Ừ, thì mình là trẻ em thì mình có quyền được hưởng…chứ? Nhưng sao mình học lại không thấy hứng thú với việc học? Sao sức học của mình càng ngày càng tệ ? Còn Long thì ngược lại …Tại sao mình không thấu hiểu sự vất vả nhọc nhằn và những hy sinh của ba mẹ đã dành cho mình? Tại sao mình không nỗ lực hơn trong học tập? Lẽ nào mình đã quá vô tâm, không chỉ với mọi người mà còn với chính những người thân yêu”? Lan lại nghĩ đến câu nói của mẹ: “Khi mình biết nghĩ cho người khác thì mới có thể sống tốt được con à”. Và câu nói của cô giáo trong bài dạy về tình yêu thương nữa: “Hạnh phúc nhận về là biết cho đi”. Lan cảm thấy có lỗi nhiều quá ...” Em mạnh dạn đưa tay phát biểu – điều mà Lan ít khi làm:

-         Thưa cô, tình cảnh của Long thật tội nghiệp. Chắc bạn ấy rất

muốn được đi học vậy mà phải nghỉ học dài ngày. Chúng em cần góp quà, góp công sức để động viên, giúp bạn có điều kiện đến trường ạ! Và …- Lan ngập ngừng - Em thấy mình chưa nghĩ đến tấm lòng của thầy cô, ba mẹ. Em chưa xứng đáng với quyền trẻ em nên cần cố gắng hơn nữa ạ!

    Cả lớp nhìn Lan có vẻ ngỡ ngàng, rồi đồng loạt vỗ tay. Cô trìu mến nhìn Lan, khen em rất nhiều.

         Trên đường đi học về, Lan nghĩ mình cũng chưa xứng đáng với những lời khen của cô giáo: “có ý nghĩ tích cực, biết yêu thương chia sẻ, giúp đỡ mọi người” và được tuyên dương dưới cờ cho cả trường hưởng ứng như  lời cô đâu.  Lan nghĩ đến mẹ, chắc là mẹ sẽ rất vui…  Rồi Lan tưởng tượng ra cảnh cùng các bạn đến nhà Long. Lan sẽ nói lời xin lỗi và sẽ làm …sẽ làm….      3. Kết luận và bài học giáo dục :     

       Câu chuyện khép lại rồi nhưng lại mở ra trong lòng ta nhiều suy nghĩ phải không các bạn? Câu chuyện phải chăng đã đặt ra vấn đề về bệnh vô cảm và lẽ sống yêu thương.

       Bạn nghĩ gì về bệnh vô cảm được đặt ra trong câu chuyện? Ta không thể không nghĩ đến cô bé Lan ấy.Với mình, mình cũng thấy bóng dáng mình ở trong đó. Bởi, với những người nghèo khổ, rách rưới, tật nguyền, ta cũng thấy thương nhưng liệu đó có phải là tình yêu thương thật sự hay chỉ là lòng thương hại? Có khi nào ta tự trách mình đã đòi hỏi quá nhiều sự yêu thương của những người thân nhưng lại không tự thấy mình đã vô cảm trước nổi khổ tâm và mong muốn của họ. Thói vô cảm thật đáng sợ phải không nào?  Nó đã sớm gặm nhấm tâm hồn trẻ thơ khiến cho một cô bé không biết nói lời cảm ơn với người đã giúp mình trong lúc khó khăn, thậm chí không hề biết tỏ lòng thương cảm trước những mảnh đời khốn khó, để rồi tỏ thái độ khinh khi, nói ra những lời thiếu tế nhị, tôn trọng với người lớn tuổi. Không những thế, nó còn làm cho cái ý nghĩ được sung sướng, được hưởng mọi quyền lợi lấn át tất cả. Và không cần biết nó có từ đâu. Để rồi từ lâu trở nên  vô ơn, quên đi trách nhiệm của mình. Thế đấy, phải chăng bệnh vô cảm đã  đánh mất nét đáng yêu vốn có của tuổi nhỏ chúng mình? Bệnh vô cảm ấy có từ đâu? Cuộc sống hiện đại ngày càng đủ đầy, trẻ thơ như cô bé được xem là trứng mỏng, là vàng ngọc, là măng non đáng yêu, quen với cuộc sống được vỗ về, chưa biết tới sự vất vả, hi sinh nên trở thành vô cảm. Làm sao chúng ta có thể trưởng thành khi chỉ biết nuôi dưỡng mầm sống của thói ích kỉ? Xã hội sẽ ra sao nếu ai cũng chỉ biết phần mình? Và em lại nghĩ đến nhiều câu chuyện đau lòng về thói vô cảm trong cuộc sống quanh ta: Một cô bé chỉ biết nằng nặc đòi mẹ mua chè khi mẹ đang loay hoay với đống trái cây vừa bị đổ tung tóe giữa đường phố, trong khi mọi người đang hối hả nhặt hộ; rồi một bạn trẻ đã suýt giết cả người  bà yêu quí của mình chỉ vì bà không cho tiền đi chơi. v..v  . Vô cảm đã làm cho con tim nóng hổi tình người trở nên băng giá đến thế đấy các bạn ạ! Không có cái chết nào đau đớn bằng cái chết trong tâm hồn bởi đó là cái chết thật của người vô cảm vẫn còn đang sống.

           Nhưng thói vô cảm dẫu hoành hoành tai hại đến đâu cũng phải dừng lại cúi đầu trước tình thương bao la, ấm áp đấy các bạn à! Bạn có tin yêu thương có sức mạnh diệu kì ấy không? Tấm lòng thơm thảo của cậu bé Long thật đáng ngưỡng mộ. Dẫu cuộc sống bất hạnh đầy những vất vả, lo toan và mưu sinh cũng không hề khiến cho bạn ấy trở nên lạnh lùng, vô tâm. Mà ngược lại…Trái tim biết sống hết mình vì bà, vì mọi người đã giúp Long  có nghị lực để học tốt, biết giúp đỡ bạn bè và cả cô bé xa lạ sống “phân biệt đẳng cấp” bằng cả tấm lòng vị tha, bao dung. Không những thế, tình yêu thương còn có ở lời dạy bảo nhẹ nhàng của người mẹ, ở tổ ấm học đường thân thiện và ở chính người cô qua những bài học công dân giàu tính động viên, khích lệ. Tất cả đã giúp cho một cô bé sống hoàn toàn vô cảm đã biết ray rứt lương tâm, đã biết lấy lại niềm tin, nhận ra lỗi lầm của mình và cuối cùng là khát khao hành động sống vì mọi người.

Thật thú vị khi ta tưởng tượng thêm phần kết của câu chuyện. Cái Lan của ngày mai không còn là cái Lan của ngày hôm qua nữa. Bạn ấy không những đã biết sống xứng đáng với  những gì mình được hưởng mà còn biết  giúp bạn vượt qua khó khăn để thực hiện ước muốn được học hành. Thế đấy! “Tình yêu thương mở cửa đi ra từ trái tim và trở về rung động bởi trái tim” là thế đấy các bạn ạ!.  

Bạn có biết không? Những tấm lòng yêu thương không phải là ít trong cuộc đời. Những “việc tử tế”, những “ địa chỉ từ thiện”, những chương trình “trái tim cho em” vẫn được phát sóng hằng ngày trên các chương trình truyền hình và phương tiện thông tin đại chúng. Đã có biết bao những mảnh đời gặp tai ương hoạn nạn đã vươn lên sống tốt. Đã có biết bao những ước mơ giản dị được chắp cánh vào đời. Cuộc sống sẽ đẹp biết bao bởi những  tấm lòng như lời thơ Tố Hữu:

                      Có gì đẹp trên đời hơn thế

              Người yêu người, sống để yêu nhau.                   

            Vậy câu chuyện đã cho chúng ta những bài học gì ?

             Hãy sống có trách nhiệm với cuộc đời bằng tình yêu thương và                             đừng bao giờ thờ ơ với thói vô cảm.

            Trước hết, phải đánh bại những con rắn rết ích kỉ đang đục khoét tâm hồn con người bằng chính tòa án lương tâm trong mỗi chúng ta.

            Và dù ở trong cảnh ngộ khó khăn đến mấy cũng không được cho phép mình trở nên vô cảm.

            Bạn hãy tin vào chính mình và cuộc sống quanh ta. Chúng ta không hề đơn độc các bạn à! Bạn bè, thầy cô, cha mẹ, tất cả những người xung quanh  - rất nhiều vòng tay đang mở rộng, khuyến khích để ta biết yêu thương.

           Yêu thương cần đi đôi với lòng bao dung và đức hi sinh.Yêu thương bằng tâm hồn “để gió cuốn đi” nhẹ nhàng, thanh thản mà không đòi hỏi hay mong nhận lại điều gì .

            Nào! Hãy biến những vinh hạnh trẻ thơ có được thành lẽ sống yêu thương, trao tặng trái tim mình cho cuộc sống bằng những việc làm từ ngày mai các bạn nhé! Và bạn hãy tin rằng: Những gì cho đi… là ….còn… mãi.