Ước mơ từ những ngày mưa

2014-01-18 16:20

 

(Cho cha - nay đã xa và nhiều người cha khác…)
 
 
 
          Tôi mở cửa sổ phòng ngủ cho ánh nắng buổi sớm tràn vào phòng, làn gió tươi mát se lạnh lùa vào nhẹ nhàng quấn lấy mái tóc tôi. Nắng đậu nên giàn hoa tigôn hồng rực, mấy cành hoa vươn mình đến tận mép cửa sổ đung đưa trong gió, trên vài chiếc lá còn đọng lại sương, óng ánh phản chiếu ánh nắng như những mặt trời bé tí hin muốn chơi đùa cùng nắng trước khi tan biến vào khoảng không ấm áp ấy. Bầu trời tháng bảy vắt ngang vài gợn mây trắng mong manh, dù đã dịu hơn những tháng hè nhưng vẫn còn oi bức. Lòng tôi bỗng dưng trống rỗng đến lạ. Mấy giọt nắng đùa vui trên bệ cửa sổ, tôi đưa tay bắt lấy một bóng nắng để mặt cho nó nhảy múa trong lòng bàn tay. Tôi bất giác mỉm cười khe khẽ, những kỷ niệm thời ấu thơ bỗng chốc êm đềm ùa về trong tôi…
Nắng…
1. Tôi yêu nắng, những ngày nắng gắn với vài kỷ niệm ít ỏi tôi có được với cha. Năm tôi học lớp hai, năm đó tôi đạt học sinh giỏi. Tôi vòi vĩnh cha muốn đi chơi biển bởi vì đứa bạn nào trong lớp tôi cũng khoe là đã từng đi tắm biển vui ơi là vui còn tôi thì chưa từng biết biển như thế nào. Nhưng cha không đưa tôi đi, thay vào đó ông mua về cho tôi biết bao là kẹo bánh. Trong mắt con bé con học lớp hai, được kẹo bánh thì còn gì bằng, tôi hớn hở nhận kẹo từ cha cho mà quên đi ước muốn đi biển. Thế rồi vào một ngày cuối hè năm tôi học lớp ba, tôi đang chơi ngoài vườn thì cha tôi bước từ nhà ra, ông ngồi xuống cạnh tôi trên chiếc võng cũ. Tôi vẫn muốn đi biển nên lại định đòi cha đưa đi, nhưng chợt nhìn thấy nét mặt nghĩ ngợi của cha tôi không dám nói… “Trời hôm nay nóng con nhỉ? Đi biển chơi với cha không con gái?” Vừa nghe, tôi thoáng giật mình: “Thật ạ? Cha sẽ đưa con đi ạ?” Cha tôi gật đầu nở một nụ cười hiền. Tôi nhảy cẫng lên vì sung sướng ước mong bao lâu đã thành sự thật. Cha chở tôi ra biển Tam Thanh, ngồi sau xe cha, tôi háo hức vu vơ hỏi cha bao điều về biển nhưng trái niềm vui của tôi, cha tôi cố dấu một nổi niềm nào đấy mà một con bé học lớp ba không thể nhận ra… Hôm đó, biển vắng, ngoài hai cha con tôi chỉ còn vài người khách khác đang ngồi nghỉ ngơi dưới dù che nắng, một vài người đang ngâm mình trong làn nước mát. Tôi chạy ùa ra biển, bố tôi ngần ngừ một chút rồi vội vàng chạy theo tôi, và tôi thấy lúc đó bố hơi nhăn mặt. Nhưng lần đó thay vì nhảy ùm xuống biển để xoa dịu cái nóng bỏng rát của mặt trời đang treo trên đỉnh đầu, tôi quay lại kéo tay cha: “Cha không thích biển ạ?” Cha xoa đầu tôi: “Không phải vậy đâu con…” – ánh mắt cha có chút gì đó xa xăm. Thế là tôi thôi không tắm biển nữa, tôi đứng ở bờ ngắm những con sóng nhấp nhô từ tận xa tít chân trời vỗ vào bờ, bầu trời trong xanh hoà quyện cùng mặt biển xanh ngắt. Không cưỡng lại được sự thôi thúc trong lòng, tôi đi ra sát biển mặt dù trước đó cha đã dặn kỹ tôi không được ra biển, những con sóng trắng bạc lấp lánh bọt nước vỗ vào đôi bàn chân bé xíu của tôi, cảm giác được biển vỗ về thật lạ lẫm nhưng tuyệt vời với tôi. Cha tôi vội chạy lại bế tôi lên bờ, ông không nói gì cả, và vẻ mặt ông có chút hoảng sợ… Tôi ngạc nhiên nhưng không dám hỏi… Cha dắt tôi đi trên bờ cát trắng mịn dọc biển, hoàng hôn buông xuống, mặt trời rải đầy những tia sáng đỏ cam trên mặt biển, thật đẹp, có lẽ đây là thứ mà cha muốn cho tôi thấy và điều này lại càng khiến tôi muốn khám phá bên kia của biển nước mênh mông này là gì. Cha tôi nhìn ra biển về phía những con sóng đang mãi mê đuổi nhau vào bờ và nói : “Bầu trời kia rộng lớn vô cùng con ạ, con có thể chỉ đứng ở đây ngước mắt nhìn mà sống tốt… Nhưng con, hãy đi thật xa vào, con gái!” Cho đến tận hôm nay, ý nghĩa của câu nói đó tôi vẫn còn mơ hồ nhưng tôi hiểu rằng ông muốn tôi nhìn thế giới thật nhiều, bước thật xa và bay thật cao… Tôi nhận ra cha tôi dành cho biển một thứ tình cảm thật phức tạp, ánh mắt ông nhìn biển… Da diết và mãnh liệt. Êm đềm và đượm buồn. Thuộc về và ngưỡng vọng… Tôi vẫn thắc mắc về ánh mắt đó và cho đến tận bây giờ tôi mới hiểu… Tuổi thơ của cha gắn với biển, cha sống ở biển những ngày còn thơ bé, lớn lên ông xa biển để theo đuổi ước mơ của một thời trẻ là trở thành một nhà giáo. Nhưng điều làm ông ghét biển là bởi vì biển đã cướp đi của cha thứ quý giá nhất – một người con – người chị gái thứ hai của tôi… Có lẽ vì thế mà ông sợ mất cả tôi – sợ biển sẽ lấy đi của ông – thêm một lần nữa – mà ông không giữ được, nhưng cha hiểu rằng ông không thể giữ tôi mãi trong vòng tay ông và ông cần phải để tôi biết đến biển và hiểu về biển – cũng như về thế giới, cuộc sống này…
 
Lần đầu tiên, tôi hiểu được những điều sâu thẳm trong tâm hồn cha mà tưởng chừng như ông sẽ không bao giờ nói ra, và tôi nhìn thấy một hình ảnh khác của cha tôi – trĩu nặng những nỗi suy tư, và một niềm tự hào và hi vọng về tôi – con gái ông… Mang lại cho tâm hồn non nớt của tôi những suy nghĩ mới,  những ao ước khát khao mới về tương lai rộng mở của tôi như cha mong đợi…
 
2. Những ký ức hạnh phúc cùng cha đối với tôi là những dấu ấn đẹp đẽ nhất trong tuổi thơ và có lẽ là cả cuộc đời tôi. Có lần, tôi không nhớ là khi đó tôi bao nhiêu tuổi, tôi cũng không nhớ là tôi đã phạm phải lỗi gì mà mẹ tôi đánh tôi, nhưng lần đó, thay vì vòng tay xin lỗi mẹ như mọi khi tôi lại cãi lời mẹ, dù mẹ cứ đánh nhưng tôi vẫn không chịu xin lỗi. Vì thế mà mẹ – hình như vì quá giận – đã không chịu nói chuyện với tôi, gần như chẳng nhìn tôi. Dù như vậy nhưng tôi – một con bé cứng đầu – có nào hiểu chuyện, cứ cho mình là đúng, dù mẹ có như thế nào với tôi, tôi vẫn mặc kệ. Tối hôm đó trong mâm cơm tôi đã không ăn mà chạy ra hiên ngồi lòng vẫn vơ rằng mình đúng và mẹ làm như thế là sai. Tôi chờ mẹ ra dỗ dành. Thế nhưng chuyện xảy ra sau đó không như những gì thường xảy ra – hay như những gì tôi vẫn nghĩ. Chờ mãi tôi chẳng thấy mẹ tôi ra, sau bữa cơm, mẹ bưng mâm xuống bếp ngang qua tôi nhưng mẹ không nhìn tôi lấy một lần. Cảm giác như mình bị bỏ rơi, dường như tình thương của mẹ dành cho tôi đã mất đi, mẹ chẳng buồn xem tôi có ăn uống hay không, chẳng quan tâm tới tôi cảm thấy như thế nào. Mẹ thật xa lạ, không giống người mẹ mà tôi vẫn yêu thương, tôi thấy mẹ và tôi xa nhau dần dần bởi khoảng cách do chính tôi tạo ra. Tôi cũng có nghĩ rằng mẹ muốn tôi nhận ra lỗi của mình và xin lỗi nhưng sự bướng bỉnh của tôi vẫn một mực là tôi làm đúng và khi làm đúng thì không việc gì phải xin lỗi. Tôi khóc và cố tình khóc to để mẹ nghe, nhưng mẹ vẫn tỏ ra bình thường như không nghe thấy gì. Và bây giờ tôi khóc thật sự, tôi khóc trong im lặng, cố tỏ ra mình mạnh mẽ trước mặt mẹ rằng tôi cũng không quan tâm đến mẹ. Chưa bao giờ tôi thấy tổn thương như thế… Rồi cha tôi đi làm về, nhưng tôi không chào ông và vẫn lặng lẽ ngồi đấy. Cha nhìn tôi rồi bước vào nhà, tôi nghĩ cha không để tâm vì bao giờ ông cũng vậy. Lát sau, cha tôi đi ra – có lẽ sau khi nghe mẹ tôi kể lại chuyện, ông ngồi xuống cạnh tôi. Và tôi chợt vùi đầu vào lòng ông khóc nức nở, bình thường tôi không làm như thế vì cha tôi khá nghiêm khắc và lạnh lùng. Cha nhẹ nhàng ôm lấy tôi, nước mắt tôi ước đẫm vạt áo ông. Kiên nhẫn đợi đến khi tôi bớt khóc, cha mới ôn tồn nói: “Cha sẽ không nói đến việc ai đúng ai sai…” Ngừng một chút cha tôi tiếp tục “… và cha muốn con biết trên thế giới này, không có tình cảm nào sâu sắc nào hơn tình cảm gia đình và tình thương của người mẹ là điều thiêng liêng, cao quý nhất. Sự hy sinh vô điều kiện của mẹ con sẽ không bao giờ đáp lại được.” Cha nhìn tôi, ánh mắt dịu dàng, ấm áp và không hề xen chút gì trách móc, những lời này tôi đã nghe nhiều, nhưng từ cha tôi nói ra thì chưa và tôi thấy nó mới, nó sâu hơn những gì tôi đang hiểu nhiều, rất nhiều… “Cha mẹ yêu thương không phải vì con ngoan, con giỏi mà đơn giản con là con của cha mẹ, và cho dù con có hư hỏng, trở thành một kẻ xấu thì tình yêu của cha mẹ dành cho con vẫn không thay đổi. Nhưng cha mẹ sẽ vô cùng hãnh diện và tự hào nếu con trở thành một người tốt, một người chính trực, biết suy nghĩ và biết yêu thương. Cha mẹ muốn con biết rằng con có toàn quyền lựa chọn cho cuộc sống, tương lai mình. Trở thành người như thế nào là quyền tự do tuyệt đối của con. Cha mẹ không ai có thể hướng con đi theo con đường nào và điều cha mong mỏi nhất ở con là con hãy lựa chọn một con đường để bước mà sau này sẽ không hối hận.” Cha nói, mắt ngước lên vòm trời đầy ánh trăng và những ngôi sao nhấp nháy xa xăm.
      Và đó chính là lý do đầu tiên khiến tôi muốn trở thành một người tốt, một người chính trực, biết suy nghĩ và biết yêu thương. Và tôi chỉ cần duy nhất một lý do đó mà thôi. Tôi biết cha kỳ vọng rất nhiều vào tôi, và tôi biết những kỳ vọng của cha là những điều tốt đẹp nhất với tôi.
    Cha như đã hiểu thấu con người tôi, những lời cha nói giúp tôi hiểu tận những góc khuất của chính tôi. Tôi sẽ - không - tôi phải bước vững vàng trên con đường mình chọn và cha sẽ là ngọn hải đăng soi sáng cho tôi, vòng tay cha là nơi mà dù tôi có chạy xa đến đâu cũng có thể ùa về và vùi chặc trong đó…
 
Mưa…
3. Tôi ghét mưa, bởi vì mưa mang đi những ngày rong chơi của nắng.
Tôi cứ nghĩ mình còn khối thời gian để đáp lại những tình cảm, công lao của cha, tôi đã định dành cho cha những bất ngờ to lớn. Và lúc này đây – khi tôi bắt đầu viết về ông – thì tất cả những việc tôi muốn làm cho cha trở thành lời tạm biệt. Những câu chuyện về cha bỗng dưng đứt quãng, không liền mạch, chỉ còn lại những dây phút rất thật mà trí nhớ tôi chọn lưu lại…
Vào một ngày bốn năm về trước…Những hạt mưa lất phất rơi dưới nền trời tối thẫm… Tôi nhận được tin dữ khi đang ngồi trong lớp học, ông nội tôi đến tận trường đón tôi về, tôi nghe tin mà choáng váng, tôi không tin, không thể nào tin nổi. Rồi tôi không chờ ông đưa về, tôi vừa chạy vừa khóc ra khỏi trường mặc những hạt mưa bụi cứ rơi ướt cả người. Quá khó để tôi diễn tả cảm giác lúc đó của mình…bàng hoàng, khó tin, bất ngờ... Lần cuối luồn tay mình vào bạn tay đã lạnh ngắt của cha, chưa bao giờ tôi khát khao cảm nhận hơi ấm từ nó đến thế… Bàn tay đã nâng bước tôi từ lúc mới thành hình trong trời đất, an ủi, vỗ về tôi những lúc tôi buồn, bươn chải trong cuộc sống để cho tôi trưởng thành… Giờ mãi mãi nằm bất động cùng cha… Đôi tay cha đen nắng, chai sần, thô ráp – đấu tích mà thời gian không thể làm phai nhoà từ những nỗi cực nhọc trong công việc của ông – tôi nợ đôi tay ấy quá nhiều. Tôi đã không nghĩ tới chuyện phải nắm tay cha khi nó còn ấm áp, và lần nào khi tôi chạm tay cha cũng là lúc cha đang giằng có giữa cái nóng lạnh của sự sống và cái chết. Có lẽ con người ít khi để tâm tới những thứ quen thuộc, gần gũi cạnh mình, họ chỉ ưa thích những thứ mới mẻ, chứ nào hay kiếm tìm, trân trọng điều quý báu ẩn dấu sau những cái thân thuộc, và khi sắp mất đi họ mới biết quý trọng, gìn giữ. Có người nhận ra kịp lúc, còn có người khi nhận ra đã là quá muộn và họ cứ mang theo mình một cảm giác day dứt, tiếc nuối. Và tôi biết lần này tôi đã vĩnh viễn mất đi, sẽ không còn cơ hội nào cho tôi được đền đáp công ơn của cha nữa. Và tôi biết từ đây, khi tôi mâm mê bàn tay mình tôi sẽ hối hận… Bây giờ tôi mới thấy thấm thía câu nói của Sigmund Freud : “Tôi không thể nghĩ ra nhu cầu nào trong thời thơ ấu mạnh mẽ hơn nhu cầu có được sự bảo vệ của một người cha.”
4. “Cha!” - Đó là một từ thiêng liêng, ai có gia đình đều có thể nói…
Nhưng ai có biết, tôi cũng có gia đình, nhưng tôi không còn có một cơ hội nào để thốt ra tiếng gọi thân thương đó nữa… Tôi dường như không thể nào tin được, cha đã ra đi mãi mãi… Trong suy nghĩ non nớt lúc ấy của tôi, tôi vẫn hy vọng cha tôi sẽ trở về bên tôi bằng một phép thuật vô hình nào đấy như trong những câu chuyện cổ tích mà cha vẫn kể. Nhìn khuôn mặt cha lần cuối, lòng tôi vỡ oà trong nỗi đau quá lớn… Cha khác đi quá nhiều hình ảnh mà tôi vẫn giữ trong lòng. Thực sự quá hoang đường để là sự thật… Bạn có hiểu được nỗi đau mà tôi phải chịu đựng? Tôi gần như ngã gục trong cảm giác mất mát đến tuyệt vọng. Mẹ tôi thẫn thờ nhìn vào vô định… Mẹ chắc còn đau hơn cả tôi… Còn chị hai tôi thì khóc ngất đi. Đối với chị tôi, tuổi thơ chị chỉ toàn màu hồng trong sự đùm bọc, nuông chiều của cha, được cha đáp ứng mọi nhu cầu dù gia đình không khá giả cho lắm. Những kỷ niệm với cha của chị nhiều và đẹp đến nỗi tôi vẫn ganh tỵ về điều đó. Và giờ nhìn chị, có phải sự yêu thương quá nhiều, quá hoàn hảo của cha dành cho chị mà nổi đau của chị lại càng lớn? Và phải chăng những ký ức ngọt ngào giữa hai cha con làm vết thương trong chị như bị xé rộng ra? Khác với chị, tôi không có những kỷ niệm đẹp đẽ đó, với cha tôi chỉ có những câu chuyện ngắn rất thật. Dù cha không bên tôi nhiều, nhưng trong mỗi dịp quan trọng của cuộc đời, tôi luôn có cha bên cạnh. Lần đầu tiên tập đi là cha nâng đỡ tôi, lần đầu tiên đi học, là cha tôi chở tôi đến lớp trên chiếc xe đạp cũ đã mòn vẹt lốp của ông, lần đầu tiên tôi bị ốm cũng là cha lo lắng đưa tôi đến bệnh viện… Trong tôi, những dấu ấn cha để lại, dù nhỏ, nhưng sâu sắc và mãnh liệt, thời gian cũng sẽ không thể làm phai nhoà. Và giờ khi cha xa rồi, tôi mới nhận ra rằng ông không hề thiên vị giữa hai chị em tôi, ông chỉ đơn giản là nhìn thấu con người tôi, ông biết căn bệnh tim bẩm sinh quái ác có thể đưa ông đi xa chúng tôi bất kỳ lúc nào, và ông không muốn tôi quá đau lòng khi ông ra đi… Ông đã chọn cách đứng xa để nhìn tôi trưởng thành, rèn luyện cho tôi sự mạnh mẽ. Tôi hoang hoải nhớ, những lúc cha ngồi lặng thinh bên bậc hiên đăm chiêu suy nghĩ, lo toan cuộc sống khiến những nếp nhăn cha sâu hơn, mái tóc bạc đã quá nửa khiến tôi thương cha nhiều hơn… Tôi đã không thể nói với cha lời cảm ơn vì tất cả những gì cha làm cho tôi, và cả một lời xin lỗi…
Ngày cha ra đi, lòng tôi tràn ngập những câu hỏi “Vì sao?”. Vì sao cha lại chọn cách sống chịu đựng như vậy, trong khi gia tài của gia đình tôi đủ sức chữa khỏi căn bệnh đó cho ông, giúp ông sống thêm vài chục năm nữa? Vì sao lúc hấp hối, cha lại ngăn mẹ tôi gọi cấp cứu mà biết rằng chậm một giây thôi ông cũng sẽ nguy hiểm đến tính mạng? Suy nghĩ lúc cận kề với lưỡi hái tử thần là gì? Hay ông đã sẵn sàng đối mặt với cảm giác đó- ai cũng sẽ phải trải qua, ông biết không thể cứu vãn được nữa nên sẵn lòng buông tay? Ông có nghĩ đến mẹ, tôi và chị gái tôi, nỗi đau mà họ phải chịu đựng?
Mãi mãi chỉ là những câu tự hỏi.
Cha ra đi để lại trong tôi một khoảng trống quá lớn, về một tình yêu thương không trọn vẹn dù tôi biết cha yêu thương tôi đến hơi thở cuối cùng, về một niềm tin trong cuộc sống bị mất đi, về một sự đền đáp mai sau không thành… Bao nhiêu yêu thương mới đủ để lấp đầy khoảng trống? Thời gian chỉ làm tôi cách xa với nó chứ không thể xoá đi khoảng trống ấy…
Cầu vồng…
5. Trong ngày tang ma của cha, tôi đã không khóc quá nhiều. Tôi biết cái cách ông xa tôi – đột ngột và nhanh chóng – chỉ trong hai ngày mà không cho tôi cơ hội để chăm sóc, nghe những lời cuối cùng ông nói  – vì ông không muốn tôi khóc – vì ông yêu nụ cười của cô con gái rượu. Sau ngày chôn cất cha tôi đã đi học lại, nhiều người nhìn tôi ngạc nhiên, sao tôi có thể “phục hồi” nhanh như vậy. Nhưng tôi không quan tâm, tôi đang cố gắng bước những bước đầu tiên trên con đường của tôi, cha không còn là lá chắn chở che cho tôi nữa. Tôi đã hứa với cha – với bản thân mình sẽ sống thật tốt, thật trọn vẹn, để cha không phải lo lắng, để cha an tâm mà ra đi… Nhiều người cũng khuyên tôi hãy quên đi nỗi buồn mà sống, nhưng có lẽ họ chưa hiểu rằng đôi khi quên đi là không thể, ký ức chỉ tạm lắng xuống vì những suy nghĩ hiện tại, và khi gặp những sự việc tương đồng, những hình ảnh nhang nhác, nó sẽ khơi lại ký ức dù trước đó đã ngủ yên. Và tôi tập quen với những ký ức đó, tôi sẽ không quên đi mà coi nó như một trang sách đẹp, nhìn nó để hướng đến tương lai…
6. Bốn mùa xuân không có cha ở bên đã qua, từ ngày cha đi xa, tôi biết mình cần phải lớn lên để đương đầu với nhiều thứ mà cha không còn ở bên để giúp đỡ nữa… Và tôi đã đi qua được nỗi đau ấy, giờ đây tôi là một cô gái 14 mạnh mẽ… Khó khăn vẫn còn đó, nhưng tôi sẽ vượt qua. Tôi không khóc, không buồn khi nhớ về cha, trong tôi là một niềm tự hào vì cha, vì tôi là con gái của cha. Khi cha mất được một trăm ngày, tôi ngừng việc thắp hương cho ông, những làn khói mờ ảo từ những nén hương đó như huyễn hoặc hình bóng cha trở lại. Không phải vì tôi vô tâm hay vô tình, đó chỉ là cách tôi chống chọi lại nỗi đau, sự tổn thương. Tôi từ chối sự thật này như thể là một giấc mơ vậy, nhiều lúc tôi tự véo mình một cái, nếu không đau thì đây chính là một giấc mơ dài đầy nghiệt ngã, nhưng tôi đã đau…Đối diện với tôi chỉ là sự thật, nếu tạo hoá là một bàn tay vô hình nào đó thì vì lý do gì nó lại sắp đặt nỗi bất hạnh này lên gia đình của tôi?
Dù sao chăng nữa, cha đã sống hết mình, và giờ đến lúc ông phải nghỉ ngơi như câu thơ ông đã viết:
“…Như thân ngựa hoang về nơi rừng cũ…
Ta giờ không buồn, không vui, không yêu thương, không oán trách, không hận thù…”
Tôi mang một chậu xương rồng nhỏ đặt trên mộ cha, tôi vẫn tưới nước cho nó mỗi buổi sáng đi học. Nó cũng đang lớn dần như những ước mơ, hoài bão được cha ươm mầm trong tôi. Bây giờ tôi chưa đủ sức để hoàn thành những nguyện vọng của cha, nhưng tôi có thời gian mà, phải không? Điều tôi làm được lúc này là yêu thương thật nhiều, nắm giữ thật chặt những người ở lại… Rồi sẽ có một ngày, tôi sẽ đủ sức …
Tôi sẽ tạo ra con đường riêng của mình và bước đi để kiến tạo cho mình một tâm hồn giàu có như cha. Tôi sẽ trở thành một đứa con mà cha tôi đã kỳ vọng…Nhất định thế!
Tôi tin rằng ở một nơi nào đó, cha luôn nhìn theo tôi và mỉm cười. Cha chính là thiên thần hộ mệnh của tôi.
Và khi những giọt mưa ngừng rơi, phía cuối chân trời xa kia, tôi nhìn thấy cầu vồng…                                                                                    
 
  Lê Mai Nhật Uyên -lớp 8/1 trường THCS Nguyễn Hiền - Phú Ninh.
  Bài đạt giải A -Trại  sáng tác thơ văn  hè 2013  ( tỉnh đoàn Quảng Nam )