Gía trị của âm nhạc

2014-03-11 08:34

Việt Nam, ngày 25 tháng 2 năm 2014.

Kính gửi chú Trịnh Công Sơn!

 

Ở trên thiên đàng xa xôi, con mong nhạc sĩ hãy luôn mĩm cười vì những đứa con của chú vẫn được nhân gian nâng niu, trau chuốt, ôm ấp từng giờ, từng phút!

 

Từ khi con sinh ra đã được mẹ ru những giai điệu dân ca ầu ơ ví dầu … rồi đến các bản nhạc thiếu nhi của chú như: Mẹ đi vắng, Tiếng ve gọi hè, Em là hoa hồng nhỏ, … lời ca thật dịu dàng, đầm ấm, dễ nhớ. Âm nhạc bước vào tâm hồn con nhẹ nhàng như vậy đó. 

 

Lớn thêm một chút con được cô dạy hát bài Nối vòng tay lớn, một bài hát dành cho tất cả thanh thiếu niên Việt Nam mỗi khi họp đoàn đội, cắm trại, … lời ca chú gửi trong bài hát thật bao la, hào hùng, chứa chan tình cảm thân thương. Và con biết rằng từ xa xưa con người đã biết vận dụng âm nhạc vào thực tế đời sống và chiến đấu, theo sách giáo khoa lịch sử ghi lại: Để đưa những khẩu pháo vượt qua đèo người ta thường lấy sức kéo bằng một điệu hò, chính điều đó mà nhạc sĩ Hoàng Vân đã sáng tác bài hát Hò kéo pháo - một bài ca bất diệt đi cùng năm tháng đấu tranh không mệt mỏi của dân tộc ta. Rồi trong cảnh chia ly đau khổ khi những đứa con ra trận, người mẹ mỏi mòn chờ đợi con về, chú đã viết nên Huyền thoại Mẹ thầm ghi ơn những hi sinh cao cả của người Mẹ Việt Nam anh hùng. Từng lời ca như từng giọt nước mắt thấm đẫm trên môi con mỗi khi hát bài này, từng câu chuyện ngày xưa luôn nhắc cho con ghi nhớ phải sống thất tốt, thật có ý nghĩa bởi biết bao nhiêu xương máu của thế hệ cha anh đã đổ xuống để con có được cuộc sống hoà bình, độc lập.

 

Với con nói riêng âm nhạc đã nâng bước con từ thuở sơ sinh đến ngày hôm nay và nhân loại nói chung âm nhạc luôn song hành cùng mọi người đến hơi thở cuối cùng. Như Cát bụi, như Một cõi đi về,… đã cô đọng lại trong tâm hồn mỗi người yêu nhạc một triết lý nhân sinh sâu sắc. Nếu ai đó còn đang xuân thì yêu đương phơi phới hẳn cũng phải nhớ đến Tình sầu, Tình nhớ, Tình xa, ... và rất nhiều ca khúc nhạc tình tha thiết chú để lại cho những đôi lứa yêu nhau.

 

Có thể nói âm nhạc có sức lay động ghê ghớm từ ngọn cỏ, cành cây đến muôn loài, muôn thú, mỗi khi âm thanh cất lên bản thân nó đều mang một ý nghĩa nhất định, có thể là yêu thương, có thể là giận dữ cũng có thể là niềm vui và cũng có thể là nỗi buồn, … Bởi thế, khi buồn ta không nên nghe những bài nhạc sầu, khổ luỵ sẽ làm ta rầu rĩ, suy nghĩ chán chường. Thay vào đó hãy nghe những ca khúc mạnh mẽ, lời ca khích lệ, vượt qua khó khăn cho ta thêm ý chí vững vàng trước chông gai thử thách. Nhưng hơn hết âm nhạc luôn hướng con người đến Chân - Thiện - Mỹ, hướng con người đến cái tốt, tránh xa điều xấu, làm con người xích lại gần nhau hơn.

 

“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương”. Vâng và cũng cảm ơn nhạc sĩ, cảm ơn chú đã đến thế giới này và để lại cho đời những giai điệu bất hủ, còn mãi với thời gian.

 

Một người hâm mộ chú.

Tác giả: Kỳ Nam